STEM – một mô hình giáo dục mới của thế giới, tích hợp nhiều môn học và kỹ năng giúp học sinh phát triển và hội nhập tốt. Mô hình giáo dục này phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của Việt Nam hiện nay, là tập trung phát triển năng lực của người học.
Tuy nhiên, theo khảo sát của ThS. Nguyễn Thị Hảo, Phạm Ngọc Quế Anh, Trường đại học sư phạm TP.HCM, thuật ngữ STEM và việc ứng dụng giáo dục STEM còn khá mới mẻ trong các trường tiểu học Việt Nam hiện nay. Một số ít giáo viên vẫn cho rằng khi nhắc đến hoạt động STEM là phải tổ chức về robotics hay khoa học máy tính và chưa hiểu rõ vai trò của STEM đối với học sinh tiểu học.
Giúp học sinh tiểu học làm quen với khoa học
Theo ThS. Nguyễn Thị Hảo, STEM là viết tắt của các từ science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.
Khoa học (science): học sinh được trang bị những kiến thức về các khái niệm, nguyên lý, định luật và cơ sở lý thuyết của giáo dục khoa học. Thông qua giáo dục khoa học, học sinh có khả năng liên kết các kiến thức này để thực hành và có tư duy để sử dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong thực tế. Ở tiểu học, kỹ năng này được hình thành và phát triển chủ yếu qua môn tự nhiên và xã hội lớp 1, 2, 3 và khoa học lớp 4, 5.
Công nghệ (technology): học sinh có khả năng sử dụng, quản lý, hiểu biết, và truy cập được công nghệ, từ những vật dụng đơn giản như cái bút, chiếc quạt đến những hệ thống phức tạp như mạng Internet, máy móc. Học sinh tiểu học chủ yếu được trang bị kỹ năng này qua môn tin học và công nghệ.
Kỹ thuật (engineering): học sinh được trang bị kỹ năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Vấn đề này đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích, tổng hợp và kết hợp để biết cách làm thế nào để cân bằng các yếu tố liên quan (như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật) để có được một giải pháp tốt nhất trong thiết kế và xây dựng quy trình. Ngoài ra, học sinh còn có khả năng nhìn nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
Toán học (math): học sinh có khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của toán học trong mọi khía cạnh tồn tại trên thế giới. Ngoài các kiến thức, học sinh còn tích lũy kỹ năng toán học, khi đó học sinh sẽ có khả năng thể hiện các ý tưởng một cách chính xác, có khả năng áp dụng các khái niệm và kỹ năng toán học vào cuộc sống hàng ngày.
Những học sinh học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có những ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập, làm việc vượt trội và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn, đồng thời không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh.
STEM trong các môn học:
Ở cấp tiểu học, các kiến thức về STEM thuộc các môn như “Cuộc sống quanh ta”, “Tìm hiểu tự nhiên”, “Thế giới công nghệ”, “Tìm hiểu công nghệ”. Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tháng 7/2017, tên các môn học nêu trên đã được thay thành “Tự nhiên và xã hội” lớp 1, 2, 3, “Khoa học” lớp 4, 5, “Tin học và công nghệ” lớp 3, 4, 5. Các kiến thức của các môn học này đều được ứng dụng phổ biến trong thực tiễn nên việc ứng dụng phương pháp giáo dục STEM sẽ thuận lợi và mang lại hiệu quả trong việc hình thành và phát triển năng lực của học sinh, cụ thể là các năng lực khoa học như năng lực tìm hiểu và khám phá tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, năng lực vận dụng tổng hợp các kiến thức khoa học để giải quyết vấn đề trong cuộc sống; năng lực thiết kế; năng lực sáng tạo và một số năng lực chung. Như vậy, STEM không phải là một môn học cụ thể nào mà giáo viên có thể tổ chức các hoạt động về STEM cho học sinh ở các môn học liên quan hay trong môn “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, vì định hướng giáo dục của STEM phù hợp với nội dung định hướng giáo dục của các môn học nêu trên.
Chương trình giáo dục phổ thông tháng 7/2017 ở tiểu học và mô hình giáo dục STEM có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về mục tiêu, nội dung và vai trò giáo dục. Đó là sự tích hợp, vận dụng tổng hợp các kiến thức của các môn học vào thực tiễn; phát huy tính tích cực học tập của học sinh, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của học sinh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi áp dụng STEM vào dạy học cho học sinh tiểu học chính là STEM đòi hỏi đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và sáng tạo. Vì thế để thực hiện thành công mô hình giáo dục STEM ở tiểu học thì cần phải nâng cao chất lượng giáo viên để giáo viên có nhận thức đúng đắn, có khả năng xây dựng và thực hiện các chủ đề phù hợp với điều kiện thực tiễn lớp học của mình.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 25 giáo viên tiểu học của 15 trường tiểu học ở TP.HCM về tình hình dạy môn tự nhiên và xã hội lớp 1, 2, 3; khoa học lớp 4, 5 và sự hiểu biết của giáo viên về STEM trong việc áp dụng vào dạy học cấp tiểu học vào thời gian tháng 7/2017.
Theo kết quả khảo sát thực tế, STEM còn mới mẻ đối với giáo viên tiểu học cũng như học sinh tiểu học. Chỉ khoảng 52% giáo viên biết về giáo dục STEM và 5/13 giáo viên đã có tổ chức hoạt động về STEM cho học sinh tiểu học nhưng chỉ tập trung vào khối 4, 5. Một số ít giáo viên vẫn cho rằng khi nhắc đến hoạt động STEM là phải tổ chức về robotics hay khoa học máy tính và chưa hiểu rõ vai trò của STEM đối với học sinh tiểu học. Chính vì vậy, để giáo viên có hiểu biết đúng về giáo dục STEM thì cần có một tài liệu cụ thể về chương trình giáo dục STEM, cách vận dụng STEM trong việc dạy học các môn học thuộc về khoa học tự nhiên cũng như gợi ý một số mô hình STEM phù hợp với nội dung, mục tiêu dạy học các môn khoa học tự nhiên ở cấp tiểu học.
Như Quỳnh