HS thiết kế các vườn rau tại Trường TH Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TPHCM)
GD&TĐ – Thời gian qua, nhiều trường tiểu học tại TPHCM chú trọng tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM, với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Qua đó, giúp học sinh từng bước làm quen, hiểu được STEM. Đây cũng là quá trình chuẩn bị quan trọng để giáo viên, học sinh tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó chú trọng đến giáo dục STEM.
Ngày hội STEM
Vừa qua, Trường Tiểu học Trần Khánh Dư, quận 1, đã tổ chức ngày hội “STEM với chúng em” lần thứ 2, với sự tham gia của 500 HS. Tại đây, các em đã được cung cấp kiến thức cơ bản về STEM, cũng như được trải nghiệm tại các “trạm” với nhiều thí nghiệm, nhiều hoạt động khám phá thú vị, bổ ích gắn liền với STEM.
Lần lượt các lớp đã cùng nhau dừng chân tại các “trạm” gồm: Nhà khoa học tương lai tìm hiểu về con người; Thiết kế tên lửa nước; Kỹ sư nhí chế tạo máy hút bụi; Kỹ sư robot; Kỹ sư nhí làm dụng cụ lọc nước; Làm dung nham; Làm thuyền buồm, xe chạy bằng bong bóng, xây tòa tháp… Tại đây, các em được giáo viên hướng dẫn cách thực hiện và được chia theo nhóm để cùng làm ra các sản phẩm.
Theo cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, đây là ngày hội giúp các em vừa học, vừa chơi, có những tiếp cận ban đầu với khoa học, biết được STEM là gì, được thực hành những thí nghiệm đơn giản, khám phá những điều mới mẻ trong không khí vui tươi, sôi nổi.
Đặc biệt, khác với nhiều trường, thường hợp đồng với các đơn vị hỗ trợ trong ngày hội, ngày hội “STEM với chúng em” của Trường TH Trần Khánh Dư đều do giáo viên của trường đảm nhiệm từ khâu lên kế hoạch, chuẩn bị nguyên, vật liệu, tự tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng, tập huấn cho nhau và cùng nhau hướng dẫn cho học sinh.
Các em học sinh Trường Tiểu học Trần Khánh Dư trong Ngày hội STEM
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, những năm gần đây đều tổ chức “Ngày hội em yêu khoa học” dành cho học sinh các khối 2, 3, 4 với nhiều hoạt động phong phú như làm thí nghiệm khoa học, thuyết trình sản phẩm theo dự án. Đây cũng là cách để nhà trường đưa STEM đến gần và cụ thể hơn, cũng như khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho các em học sinh.
Tương tự, để giúp học sinh hiểu về STEM, vận dụng phương pháp giáo dục STEM theo các chuyên đề học tập, tháng 1 vừa qua, học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú đã cùng trổ tài tại cuộc thi Khoa học kĩ thuật với chủ đề “Thiết kế và chăm sóc vườn rau sạch” .
Theo đó, các em học sinh của khối 4 đã trải qua các vòng thi: Ý tưởng sáng tạo; Cùng nhau thi tài; Hội thu. Các em đã cùng bắt tay vào làm 12 mô hình của vườn rau sạch để trưng bày tại ngày hội, cùng phân chia nhóm để thuyết trình, giới thiệu về ý tưởng như: Lý giải về tên gọi của vườn rau, giới thiệu bản thiết kế 3D mô phỏng vườn rau, giới thiệu về các vật dụng để làm vườn rau, cách lắp đặt, cách chọn phân bón, đất trồng, hạt giống, cách trồng cây, tính toán về kinh phí thực hiện… Các em sẽ có 3 tháng để bắt tay vào thực hiện vườn rau sạch được đặt tại sân trường theo đúng thiết kế. Vào tháng 4/2019 sẽ tổ chức hội thu rau sạch.
Chủ động đổi mới phương pháp
Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, “Thiết kế và chăm sóc vươn rau sạch” là một trong các hoạt động của kế hoạch vận dụng phương pháp giáo dục STEM trong tổ chức hoạt động trải nghiệm của nhà trường. Với việc tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến, các em sẽ có nhiều trải nghiệm trong học tập, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, qua đó góp phần đáp ứng việc dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Bên cạnh đó, qua từng chuyên đề dạy học, đây cũng là cơ hội để giáo viên tự tìm hiểu, bồi dưỡng để tiếp cận, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới. “Hội thi là sân chơi bổ ích giúp các em học sinh hiểu được ý nghĩa của việc học, áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Ví dụ như các em lớp 4 đã học môn Kĩ thuật về trồng rau, môn Mĩ thuật về vẽ 3D trên máy tính, môn Công nghệ, môn Toán, sẽ vận dụng những điều được học để hoàn thiện sản phẩm của mình.
Ngoài ra, các em còn phát triển kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý tài chính, quản lý thời gian… Thông qua hoạt động này cũng khơi gợi cho các em phát huy những ý tưởng sáng tạo, cũng như niềm yêu thích về nghiên cứu khoa học”, cô Trần Thị Mai Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Mô hình vườn rau do HS thiết kế
Thầy Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết, vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào từng nội dung, chương trình học tập mang lại rất nhiều hiệu quả, giúp học sinh thích thú với việc học, phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập.
Qua việc được thực hành, các em sẽ thể hiện sự chủ động trong học tập, từ đó phát huy tính sáng tạo, năng lực của mình, vận dụng kiến thức đã học để áp dụng vào thực tiễn. Và từ những ý tưởng sáng tạo, các em đã làm ra các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống, đây là điều mà chúng ta mong đợi nhất.
Qua trao đổi với các em học sinh, ban đầu khi hỏi về STEM, một số em đều “lắc đầu” vì đây là khái niệm mới, có em thì đã nghe qua nhưng chưa hiểu nhiều về STEM. Tuy nhiên, khi được tham gia ngày hội, được bắt tay vào thực hiện các mô hình sản phẩm, thực hiện các thí nghiệm, được nghe các giáo viên giải thích, các em dần dần hiểu được STEM là gì, từ đó tỏ ra rất hào hứng và hiểu được cách vận dụng STEM vào học tập, vào thực hành như thế nào.
Em Minh Đức, lớp 5/1, Trường Tiểu học Trần Khánh Dư, chia sẻ: “Con rất vui khi được tham gia ngày hội STEM, con thấy rất bổ ích vì học được nhiều điều mới mẻ, thú vị. Nhóm của con vừa hoàn thành máy lọc nước mini. Và tiếp theo sẽ học làm tủ lạnh mini”.