Bản chất cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là đem lại những giá trị cho học sinh như phát triển năng lực, phẩm chất… Cạnh đó, với những yêu cầu về dạy học tích hợp, đổi mới phương pháp trong chương trình GDPT, vai trò của giáo dục STEM cực kỳ quan trọng.
Giáo dục STEM giúp phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Trong hình: Học sinh Trường TH Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) trong một hoạt động phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân
Theo nhiều chuyên gia về giáo dục STEM, trong chương trình GDPT mới, STEM nên được triển khai tùy theo đặc thù về cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên của từng trường học. Ở hình thức nào, bản chất của STEM cũng phải đảm bảo sự tích hợp về mặt khoa học, công nghệ, toán để người học có thể phát triển những nhóm năng lực, đặc biệt là hướng đến tư duy, định hướng nghề nghiệp trong môi trường 4.0.
Chấp nhận sự đa dạng của STEM
- Tưởng Duy Hải (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng trong chương trình GDPT mới, vai trò của STEM là cực kỳ quan trọng. Không những là một hình thức đổi mới phương pháp dạy học mà đặc biệt ở đây là trong các nhóm môn khoa học tự nhiên. Đồng thời hướng đến không gian hoạt động giáo dục để định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Điều quan trọng nữa là theo định hướng phân luồng cho những nhóm học sinh thuộc lĩnh vực khoa học. “Chỉ thị 16 và Quyết định 552 của Thủ tướng Chính phủ đều định hướng đến nhóm giáo dục tích hợp khoa học trong chương trình GDPT mới. Định hướng đầu tiên là mang tính tích hợp. Định hướng thứ 2 là hướng đến nhóm ngành có tính đặc trưng của thế kỷ 21, và định hướng thứ 3 là phẩm chất năng lực học sinh được truyền tải từ hoạt động dạy sang hoạt động học. Theo đó, một chủ đề STEM sẽ đạt được tất cả các yếu tố định hướng đó. Vì vậy, cách xây dựng chủ đề STEM trong môn học hay trong hoạt động giáo dục, hoạt động định hướng nghề nghiệp là định hình khung để phân luồng học sinh”, TS. Hải nêu rõ.
Để hiểu về giáo dục STEM, TS. Hải cho rằng cần phải đứng trong vai trò của những đối tượng khác nhau. Theo đó, với giáo viên, muốn tổ chức STEM trong dạy học để phát triển năng lực phẩm chất có thể sử dụng những khái niệm để thay đổi phương pháp dạy học. Nhưng cũng có những hoạt động STEM được xây dựng dưới những chủ đề gắn với công nghệ hay robotic thì cần có một cách hiểu khác. Với nhà quản lý sẽ hiểu STEM trong giá trị định hướng và có thể đưa ra một định hướng, một khái niệm. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, STEM có thể tổ chức dưới việc cho học sinh trải nghiệm, khám phá bản thân hoặc khám phá kiến thức, thử thách bản thân. “Gắn trong một góc độ nào đó để hiểu chứ không thể thống nhất được một khái niệm về STEM, sự hiểu các khái niệm STEM sẽ nằm ở những khía cạnh khác nhau và những cách hiểu đó hoàn toàn chấp nhận được. Quan trọng là phải đảm bảo sự tích hợp về mặt khoa học, công nghệ, toán trong một chủ đề để người học có thể phát triển những nhóm năng lực, đặc biệt là hướng đến tư duy, định hướng nghề nghiệp trong môi trường 4.0”, TS. Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ về cách thức triển khai, TS. Hải cho hay, STEM có rất nhiều cách thức triển khai. Có thể chọn dạy học dự án để triển khai STEM hoặc hoạt động STEM được đưa vào tiết học, triển khai trong không gian tiết học. Tuy nhiên, TS. Hải lưu ý, dạy học dự án có thể trở thành một cách thức để thực hiện giáo dục STEM chứ không phải là dạy học dự án là STEM hay STEM là dạy học dự án. Ngoài ra, cũng không nên phân biệt sự khác nhau rõ ràng hay trùng lặp giữa dạy học dự án và STEM mà chỉ cần hiểu rằng giáo dục STEM là hướng đến mục tiêu, còn dạy học dự án là một cách thức, hình thức. “Tùy điều kiện của từng trường có thể sử dụng các thiết bị tối thiểu nội tại để xây dựng chủ đề STEM, hoặc có thể trang bị hẳn phòng AI để làm STEM. Như vậy, có nghĩa là các trường có gì thì dùng mức đó, không có khái niệm rằng phải có kinh phí mới làm được STEM. Quan trọng là vai trò của người giáo viên phải làm sao hướng đến mục tiêu giáo dục chứ không phải hướng đến những mục tiêu khác”, TS. Hải phân tích.
Tránh quan niệm “có thi STEM đâu mà dạy”
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Biên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), nhiệm vụ chính và đúng nghĩa của giáo dục STEM phải thuộc về các bộ môn khoa học tự nhiên như toán, công nghệ, khoa học… Tuy nhiên, các bộ môn khoa học xã hội thì vẫn có thể sử dụng tinh thần của giáo dục STEM. Đó là các tinh thần: Dạy học gắn với thực tiễn khoa học xã hội; tinh thần liên môn các bộ môn khoa học xã hội với nhau chứ không nhất thiết phải liên môn văn và cố ép liên môn toán, lý; tinh thần hướng đến phát triển năng lực trong chương trình mới và định hướng nghề nghiệp.
“Thực hiện chương trình GDPT mới thì yếu tố quan trọng nhất là con người. Trong đó, đầu tiên là người quản lý: Ở trường học là hiệu trưởng, ở sở là đội ngũ cán bộ, chuyên viên… Phải thông được tư tưởng này. Cạnh đó là giáo viên: thầy cô phải hiểu được giá trị của STEM đem lại, đó là giá trị phát triển năng lực học sinh”, PGS.TS Biên nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Biên, có nhiều loại hình STEM khác nhau khi triển khai trong trường học, đó là STEM trong câu lạc bộ; STEM trong chương trình học. Tuy nhiên, giáo dục STEM không phải là thay thế các hoạt động dạy học bình thường mà một năm học hoặc từng học kỳ chỉ làm một hoặc hai chủ đề STEM trong một lớp. “Khi đưa vào chương trình dạy, các thầy cô hay băn khoăn rằng không có thời gian, lấy tiết ở đâu. Đó chính là các nội dung trong chuẩn kiến thức kỹ năng đã được đưa vào chủ đề STEM. Ví dụ như chủ đề về âm thanh, tiếng ồn thì trong môn vật lý có 2 tiết về kiến thức này. Vậy thầy cô lấy 2 tiết này, tích hợp thêm với 1 tiết của môn sinh học về sinh lý của tai, hệ thống thính giác”, PGS.TS Biên dẫn chứng.
Bên cạnh đó, PGS.TS Biên cũng chỉ ra rằng, không phải chủ đề STEM nào cũng cần đến trang thiết bị hiện đại. Có những chủ đề đơn thuần chỉ là lắp ghép pin chanh, xe tự hành dùng phản ứng giữa dấm và soda…, qua những chủ đề này học sinh vẫn vận dụng kiến thức được. Tức là có nhiều mức độ tiếp cận STEM tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên của từng trường, miễn là việc dạy đó đem lại những giá trị cho học sinh: phát triển năng lực phẩm chất; trang bị cho học sinh kiến thức kỹ năng song song với cách vận dụng những kiến thức đó. Đây cũng là bản chất cốt lõi của chương trình GDPT mới.
“Đích đến của việc giáo dục không phải chỉ là đi thi. Thi chỉ là một hình thức đánh giá, còn đánh giá học sinh phải là cả một quá trình. Do đó, thầy cô không nên quan niệm rằng có thi về STEM đâu mà dạy. Để triển khai hiệu quả giáo dục STEM trong trường học, hướng đến chương trình GDPT mới, nhà trường cũng cần phải làm rõ tư tưởng để phụ huynh hiểu và đồng hành”, PGS.TS Biên nói.
Nguồn Báo GDTĐ